ĐỘC LẠ MỘC CHÂU VỚI LỄ HỘI HẾT CHÁ THÁNG 3
Chạy dọc từ Nam ra Bắc, từ mũi Cực Nam Cà Mau đến đầu Cực Bắc Hà Giang, với hơn 2000 lễ hội diễn ra xuyên suốt 12 tháng, Việt Nam ta mang một nền bản sắc văn hoa trù phú và còn được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Trong đó phải kể đến cụm khu vực Miền Bắc, nhất là Đông - Tây Bắc, nơi cư ngụ của rất nhiều dân tộc anh em thiểu số với muôn vàn lễ hội sắc hoa thể hiện đậm nét văn hóa dân tộc rất riêng của họ.
Đến với cụm Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình tháng 3, đây là thời điểm đẹp nhất cho các hoạt động lễ hội tập quán người đồng bào tổ chức. Trong đó phải nhắc đến một lễ hội lớn không kém Lễ Hội Hoa Ban mà cũng mang nét độc lạ của người dân tộc Thái, đó là Lễ Hội Hết Chá.
1. Nguồn gốc lễ hội
Người Thái quan niệm mọi vật đều có linh hồn, nên với bất cứ vấn đề gì nảy sinh trong cuộc sống, họ đều có các nghi lễ hóa giải. Lễ cho người làm nghề mo chang với những tên gọi khác nhau: Hết Chá (người Thái trắng, Mộc Châu), Xên Lẩu Nó (người Thái đen), Kin Pang Then (người Thái trắng, Quỳnh Nhai)… là một trong số rất nhiều nghi lễ của người Thái ở Mộc Châu, Sơn La.
Từ xa xưa, người Thái nói chung và người Thái Mộc Châu nói riêng, mỗi khi bị bệnh, ngoài nhờ bốc thuốc nam chạy chữa, còn nhờ thầy mo đến cúng. Một số thầy mo, vừa làm lễ cúng cầu thần linh, vừa biết bốc thuốc chữa bệnh. Mang ơn thầy mo, những người được chữa khỏi bệnh thường xin được làm con nuôi. Thầy mo thường làm lễ tạ ơn (Lễ Hết Chá) để con nuôi dâng lễ tạ ơn, đồng thời là dịp làm lễ cầu cho các con nuôi, dân bản năm mới khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, súc vật sinh sôi nảy nở.
2. Thời gian
Lễ Hết Chá được tổ chức hàng năm, theo dương lịch, vào ngày 26 tháng 3, khi hoa ban, hoa mạ nở. Lễ được tổ chức trên một khu đồi gần trung tâm bản. Thầy mo thông báo thời gian làm lễ cho các con nuôi, gia đình họ hàng ở các nơi, đội xòe và bà con trong bản cùng tham dự.
3. Ý nghĩa
Lễ Hết Chá mang tính cộng đồng cao, tăng cường đoàn kết giữa các gia đình, dòng họ, bản mường; là cơ hội để các gia đình giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nuôi dạy con cái, nâng cao đời sống... Nghi lễ còn là sự nhắc nhở con người về tinh thần uống nước nhớ nguồn, hài hòa trong các mối quan hệ ứng xử với thiên nhiên và xã hội; bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng, tri thức dân gian về chữa bệnh, trong canh tác...
Với những giá trị đặc biệt trên, Lễ Hết Chá được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08 tháng 6 năm 2015.